Cách nhận biết “MÔ HÌNH BÁNH VẼ” các dự án không nên đầu tư?

Nếu đã nằm vùng trong thị trường crypto, chắc hẳn bạn đã từng nghe qua “Hoàng tử công nghệ ICP” hay FILECOIN (FILE). Đây chính là 2 dự án được thổi phồng quá mức về công nghệ và khiến cho anh em mất rất nhiều tiền khi đầu tư vào 2 dự án này.

Vậy thì làm sao để nhận biết “MÔ HÌNH BÁNH VẼ” các dự án không nên đầu tư?

Mời bạn đọc cùng Coin35 tham khảo qua bài viết dưới đây:

Coin tăng đột biến tất nhiên phải do lái, do thao túng giá. Nhưng chúng đều phải có một cái “cớ” rất hợp lý hoặc 1 động lực để việc tăng giá thuận lợi hơn. Trong bài này, H.P đề cập tới 2 mô hình bánh vẽ phổ biến được dùng để đẩy giá coin.

Gom lại thành 2 nhóm, mặc dù chúng có rất nhiều hình thức khác nhau. Nhưng hầu hết chúng chỉ là các “biến tướng” với phiên bản mới được sinh ra liên tục.

Thổi phồng về tiềm năng, công nghệ hoặc ứng dụng

Nhóm này gọi là nhóm cổ điển trong mô hình bánh vẽ. Chúng có thể tóm gọn như sau: Công nghệ, ứng dụng, ưu điểm là có. Thậm chí là rất vượt trội, nhưng khả năng sinh ra lợi nhuận thực tế từ chính vận hành dự án là rất thấp. Tức là giá của những đồng coin vượt xa quá nhiều những giá trị về mặt công nghệ, ứng dụng của nó.

Các hội nhóm “chuyên nghiệp” thường khá đề cao những đồng coin này. Họ cho rằng chúng là những dự án minh bạch, nghiêm túc và lâu dài.

Phổ biến nhất trong nhóm này có thể kể tới những đồng coin nền tảng, Web3, NFTs: ETH, SOL, ADA v.v. Chúng luôn được kỳ vọng quá nhiều dựa vào những “tính năng” của mình. (Chưa kể những đồng nhỏ hơn chỉ là 1 dự án riêng biệt)

Về đầu tư nghiêm túc, tất nhiên những dự án với ưu điểm trong nhóm này là rất hợp lý. Tuy nhiên H.P khuyến nghị bạn định giá rất thấp về giá trị (market cap) tất cả các dự án đang có. Bạn được phép mua giá cao, kỳ vọng ảo trong Uptrend. Mua SOL 100$, thậm chí 150$ trong uptrend không phải là sai. Ngược lại, điểm mua khi đầu tư dài hoặc không xác định rõ xu hướng, cứ quay về khuyến nghị định giá: Đa số chúng có giá trị rất thấp, 99%.

Đẩy giá dựa trên mô hình đa cấp

Đây là phương pháp thứ 2 và cũng rất phổ biến trong coin. Chúng không phải những đồng coin đa cấp công khai như Bitconnect khi xưa, chúng được thay đổi hình thức liên tục. Đối với hình thức này, công nghệ, ứng dụng không phải vấn đề mấu chốt. Số người tham gia chính là mấu chốt, càng nhiều người tham gia thì quy mô càng lớn và giá trị được đẩy lên càng cao.

Những người có tìm hiểu về coin thường rất kỳ thị nhóm coin này. Họ thường rất đề cao tính ứng dụng hoặc công nghệ của một đồng coin. Tuy nhiên giá trị từ cộng đồng đôi khi còn lớn hơn công nghệ rất nhiều. Nó đơn giản là công thức: Mỗi người bỏ 500$ thì 1 triệu người đã là 500 triệu đô. Và Shiba, Doge tất nhiên không có công nghệ gì đáng kể, nhưng chúng đã từng chễm chệ ở top 6 7 trong những đồng coin có vốn hoá lớn nhất. Ngay lúc H.P viết bài này, vị trí của Doge là 10 và Shiba là 14.

Bạn cần thừa nhận rất rõ về việc: Cộng đồng là một loại giá trị, chỉ cần tất cả đồng tình viên đá là tiền thì nó chính là tiền. Nếu bạn chỉ tập trung vào phân tích chức năng (Công nghệ – Blockchain) của viên đá sẽ thấy nó vô dụng. Viên đá vô dụng là 1 sự thật, nhưng nó lại không làm thay đổi vấn đề: Nó hoàn toàn có thể làm tiền. Với coin, hãy chấp nhận sự thật: Nó hoàn toàn có thể tăng trưởng khi cộng đồng đủ lớn, dù công nghệ nó chỉ là cục đá.

Có 2 hình thức chính thường được sử dụng trong nhóm này:

Mô hình có trả lãi (mua vật phẩm, mua nhân vật trong game, mua trang bị) rồi nhận lãi theo thời gian (Gamefi, Move to earn v.v). Mô hình này thường sụp đổ khi quy mô người tham gia bị chững lại, dòng tiền mới không đủ để tạo ra cầu với vật phẩm / token dẫn tới hiệu ứng sụp đổ lặp. Sụp đổ lặp: Token giảm => Vật phẩm giảm => Kéo tiếp Token giảm => Vật phảm giảm => … Trong quá trình đó, người chơi hoặc dòng tiền đầu tư mới càng bị cắt đứt nhanh, 1 khi quá trình đứt gãy đã diễn ra gần như không thể đảo ngược. Hiểu đơn giản, chúng k khác việc mua “gói” trong đa cấp là mấy, việc bạn phải thực hiện 1 số hành động mới được trả tiền chỉ để đánh lừa cảm giác rằng bạn đang “kiếm” tiền. Các mô hình đa cấp truyền thống cũng thường áp dụng cách này: Ví dụ phải view quảng cáo, phải mở gian hàng, phải xem clips v.v (gọi chung là nhiệm vụ). Nhưng mấu chốt rằng lợi nhuận của bạn chủ yếu phục thuộc vào số tiền bạn bỏ ra mua “gói” – vật phẩm, nhân vật.

Có thể nói Blockchain đa cấp là mô hình đột phá. Chúng ưu điểm hơn đa cấp truyền thống là gần như không có thời gian lock, bạn có thể nghỉ bất cứ khi nào. Ngoài ra, chúng có thêm 1 kênh thanh khoản rất lớn chính là việc Token được niêm yết trên các sàn giao dịch. Lượng trader bắt đáy các Token game cũng có thể trở thành kênh thanh khoản tuyệt vời. Chúng tương đương thêm 1 dòng tiền để trả cho các nhà đầu tư đã mua gói.

Mô hình không trả lãi dựa trên sự phát triển cộng đồng bằng sự lan toả (Các đồng coin memes) thường theo hướng này. Hầu hết chúng phải ăn theo những người nổi tiếng hoặc sự kiện để có được cộng đồng nhanh nhất. Doge => Shiba => GreenShiba v.v

Tại sao chúng ta tìm hiểu về điều này?

Nó không chỉ là đề biết, mà còn để định giá và đưa ra quyết định đầu tư. Nếu bạn là 1 “fan” của giá thị thật, bạn sẽ khá phiền khi những người đầu tư những thứ rất “ảo” giàu lên rất nhanh. Dễ dàng thấy điều này trên những comment ở Vnexpress hay những người kỳ thị tiền điện tử.

Trong đầu tư, đôi khi chúng ta chỉ nên đơn giản hoá bằng câu hỏi: Chúng có cơ hội tăng giá không? Và đâu là động lực chính để nó tăng giá.

Trong uptrend, giá luôn cao hơn rất nhiều so với giá trị thật, dù đó là coin, cổ phiếu hay đất đai. Bong bóng sẽ xuất hiện, tức kỳ vọng vượt quá giá trị hợp lý. Những bong bóng luôn là cơ hội, và chúng chính là rủi ro khi nó vỡ ra. Hãy cố gắng phân loại việc đồng coin của bạn nằm trong nhóm nào của động lực để đẩy giá. Hoặc việc đơn giản nhất, nó giúp bạn có thể đưa ra quyết định cắt lỗ rất sớm và dễ dàng.

Hầu hết những người ôm lì dẫn đến chia tài khoản rất nhiều đều vướng vào 1 vấn đề: Bị giá cao tạo cho cảm giác tin tưởng và kỳ vọng rất lớn. Nếu tôi đặt câu hỏi cho họ: Đống code đó trị giá 15 tỷ đô không (market cap – vốn hoá của đồng coin đó hiện tại)? Họ sẽ lắc đầu lia lịa. Nhưng nếu hỏi coin ABC có thể lên giá $50 đấy nhỉ? Họ gật đầu liên tục.

Ở câu hỏi thứ nhất, nó vừa có ưu điểm và nhược điểm. Ưu điểm là sự tỉnh táo trong định giá, bạn sẽ chẳng bao giờ đu đỉnh. Nhưng nhược điểm cũng rất rõ ràng, lí trí mạnh mẽ về giá trị hợp lý, giá trị thực của nó sẽ khiến bạn bán khá non, chúng được thổi phồng xa hơn bạn nghĩ rất nhiều.

Bạn sẽ phải cắt lỗ khi đu đỉnh, nhớ như vậy. Bởi cả 2 con đường dù là thổi phồng công nghệ hay phương pháp “hòn đá”, khoảng cách giữa giá đỉnh được tạo ra và giá nó sẽ rớt về là rất khủng khiếp.

Chúng ta sẽ lại có những đợt uptrend về sau này, sẽ lại được chọn coin để mua. Downtrend là thời điểm tốt để tìm hiểu về “công nghệ” hay những tính năng có thể làm cơ sở cho đợt bong bóng mới. Cũng đừng quên lên danh sách những đồng coin “cộng đồng”.

Bong bóng tài chính không xấu, rất tốt là khác. Coin rác không xấu, coin memes không xấu, thậm chí coin đa cấp cũng không xấu. Chúng đều khiến người người nhà nhà vỡ nợ, nhưng không thể gọi là xấu. Vấn đề là ở bạn, bạn phải nhận thức chính xác mình đang làm gì.

Chúng ta có 3 kiểu người:

  1. Người không chơi: Nhìn vào giá trị thật hoặc định giá, khi thấy cao hoặc bất hợp lý là nói KHÔNG. Điển hình có thể kể tới Warrent Buffet, Bill Gates v.v khi nói về coin.
  2. Người chơi tỉnh táo: Nhìn vào giá trị thật hoặc định giá, khi thấy cao hoặc bất hợp lý nhưng tập trung vào cơ hội tăng giá có không. Nếu có vẫn chơi, nhưng không quên việc nghỉ sớm hoặc cắt lỗ khi cần.
  3. Người say: Chỉ đếm cua về việc giàu có, FOMO. Đặc biệt tin vào công nghệ, tiềm năng hoặc giá lên 1 mức ABC không dựa theo bất cứ dữ kiện hay cơ sở nào. Người say thắng rất lớn trong uptrend, nhưng không giữ được mà còn lỗ thêm cả tiền gốc.

Đã chơi thì phải tỉnh táo, hoặc nguyên tắc không hiểu không chơi. Đầu tư coin còn tệ hơn cờ bạc nếu bạn không biết mình đang làm gì. Với cái mác “đầu tư”, “công nghệ”, “tương lai”, số vốn bạn vào rất lớn. Và số tiền thua của bạn có lẽ đánh bạc cũng không hết nhanh vậy.

Bình luận

Để lại bình luận

Your email address will not be published.


*